Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Hải đăng Kê Gà - Bình Thuận




Với tôi, du lịch chỉ đơn giản là ta dịch chuyển sang một vùng sinh sống khác. Không giống những tập quán, lối sống, ăn uống, cảnh quan so với nơi ta sống thì đã là…du lịch! Kể cả khi ta từ bỏ tiện nghi, để làm quen với thiếu thốn. Ta tự từ bỏ những tiện nghi mà ta sẵn có, phải trả tiền để được đày đọa. Thí dụ: Ta vào rừng (Nam Cát Tiên chẳng hạn…) Thuê lều bạt để ngủ lại đêm ven rừng. Đốt lửa trại bằng củi, thay vì ở quách tại nhà trong chăn ấm nệm êm..
 

.

Các góc nhìn về hải đăng Kê Gà - Bình Thuận



Đi du lịch thác Giang Điền. Ta phải gửi phương tiện (xe) của ta nơi sân nắng ngoài cổng. Đi bộ dưới cái nắng gắt gay gần hai cây số để đến được nơi mà ta muốn đến. Nghĩ thật trớ trêu! Phải trả tiền để bị…đày đọa! Hehe vậy mà thiên hạ vẫn vui vẻ, tự giác làm cái điều trớ trêu đó thường xuyên đấy! Tất nhiên, tôi cũng là người thường có tên trong số đó.


Xóm chài ở duyên hải Bình Châu-BRVT.

Vì vậy, vào một buổi nắng hanh. Tôi quyết định rời nơi mát mẻ, ấm êm của tôi, dãi dầu nắng gió vượt 140 km bằng con Nouvo để ngoạn cảnh hiếm và hấp dẫn là: Ngọn hải đăng Kê Gà thuộc tỉnh Bình Thuận….

Nhiêu là đủ để đi phượt rồi...

Cự ly trên tôi tính từ Bà Rịa Vũng Tàu. Đi theo cung đường ven biển rất đẹp và thơ mộng, mà hai tỉnh: BRVT và Bình Thuận đã xây dựng, thông xe từ 4,5 năm nay. Đây là cung đường song song với QL 1A. Ta vẫn có thể rẽ ngang qua lại giữa hai con đường này. Nếu muốn, ở những vị trí thích hợp. Sự chuẩn bị cho 2 ngày đi phượt đúng nghĩa gồm có các đồ dùng cá nhân như: 2 bộ quần áo (gọn nhẹ nên quẳng vào hộp để đồ dưới yên xe…) Dao cạo râu, cục charge điện thoại, máy ảnh và charge, áo mưa, lốp táp (nếu tiện). Kiểm tra cái ví xem bằng lái, CMND, thẻ ATM (nếu có)Và điều quan trọng nhất là…xiền! (Solo nên cỡ 1...chai là phủ phê rồi!)


Đường ven biển đoạn Hồ Cốc-BRVT


Cát trắng duyên hải BRVT

Tôi ghé vào cây xăng Petro làm đầy nhóc bình xăng 95 gần 100k. Thế là yên tâm rong ruổi sau khi không quên ghé Service Yamaha để kiểm tra vỏ lốp, kèn, thắng…Trời khô ráo, xe hai bánh đi phượt rõ là tuyệt. Tôi ghé thị xã Bà Rịa, vào quán quen gần nhà Tròn, để...mần tô hủ tiếu mì rõ to với giá có 20k. Vững bụng, gã giang hồ phon 83 km tới thị trấn La Gi Bình Thuận. Theo thứ tự các huyện thị như; Long Đất, thị trấn Bà Tô Xuyên Mộc (Thuộc BRVT) Qua ranh giới của 2 tỉnh là KDL Suối Nước Nóng Bình Châu, Tân Thắng để đến La Gi (BT)


Thanh Long. Vườn cây đặc trưng của Bình Thuận


Cầu gỗ qua sông Phan của xã Tân Hải-La Gi

Từ thị trấn La Gi, tôi đi dọc theo đường biển đẹp hoang dại cỡ 30km, để đến xã Thuận Quý Huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 30 km về hướng Tây Nam. Có địa danh mũi Kê Gà và ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam.


Nơi đây có một chợ nhỏ bên bờ biển cho dân làng chài, với thuyền thúng úp san sát ven bờ rất đặc trưng. Bạn phải gởi xe, rồi đi bộ trên triền cát ra bến thuyền. Để được đưa sang bên đảo nhỏ có ngọn hải đăng. Với một cự ly chỉ vài trăm mét (Dân địa phương thì chèo thuyền thúng ra...)


Có nhiều giải thích về tên gọi Kê Gà hay còn gọi là Khe Gà. Cách giải thích phổ biến nhất là vì mũi đất này có khe giống đầu mỏ của một con gà. Một cách giải thích khác cho rằng ngày xưa ở đây có nhiều gà rừng sinh sống. Thời Pháp thuộc, khi vẽ bản đồ hành chính người ta ghi là Kéga, theo cách phát âm của người Pháp, về sau quen gọi là Kê Gà.


Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, mũi Kê Gà xưa kia được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Vào các thế kỷ trước, đã có nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm. Chính vì thế, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà.

Cuối năm 1898 hải đăng Kê Gà, do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế, được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 1900. Như vậy tính đến nay ngọn hải đăng này đã 110 tuổi, được xem là ngọn hải đăng "già" nhất Việt Nam.



Hòn đảo, nơi xây dựng ngọn hải đăng, có diện tích khỏang 5 ha. Trên đảo có hàng ngàn hòn đá hoa cương vàng màu sắc tuyệt đẹp, thiên hình vạn trạng và cả trăm cây sứ đại thụ to lớn. Ngọn tháp hải đăng hình bát giác, xây trên đỉnh cao nhất của đảo. Tháp đèn xây bằng đá cao 35 m, độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 m (tương đương với tòa nhà cao 12 tầng). Kích thước cạnh của tháp rộng 3 m, đỉnh rộng 2,5 m, chiều dày tường tháp từ chân tháp đến độ cao 6m là 1,6m, càng lên cao độ dày càng giảm từ 1,5m và mỏng nhất ở đỉnh tháp là 1m. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2.000W, có bán kính quét sáng 22 hải lý (tương đương 40 km).


Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoắn ốc bằng thép cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Chiếc cầu thang xoáy ốc này thực sự là một tác phẩm tuyệt đẹp mà không một nhiếp ảnh gia chuyên hay không chuyên nào đến đây có thể bỏ qua. Trên tháp có một balcon rộng, từ đây, khách tham quan có thể nhìn toàn cảnh cả vùng trong gió biển lồng lộng. Đứng nơi đây nhìn ra, choáng ngợp bởi mênh mông biển trời và gió, bạn sẽ vừa nhận ra sự nhỏ bé của mình, vừa ý thức được sức mạnh con người trước thiên nhiên.

2 nhận xét: